Hiểu về Ngũ hành, phương hướng, màu sắc, vật liệu, hình khối của Ngũ hành

Phong thủy cho rằng, vạn vật sinh ra ở trên đời này đều luôn tuân theo thuyết Ngũ hành và con người cũng không phải ngoại lệ. Hầu như chúng ta đều đã nghe qua về Ngũ hành, nhưng phần lớn chưa nắm rõ được các quy luật, cũng như cách ứng dụng của Ngũ hành vào cuộc sống. Cùng Nam tiên sinh khám phá để hiểu về Ngũ hành, phương hướng, màu sắc, vật liệu, hình khối của Ngũ hành.

Ngũ hành là gì?

Ngũ hành là 5 yếu tố cấu tạo nên vạn vật, gồm: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Các yếu tố này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Để hiểu về ngũ hành thì thật sự khá phức tạp. Sự vận hành của chúng thể hiện được đa dạng các hiện tượng và mối quan hệ của vạn vật.

Các quy luật và quan hệ của Ngũ hành

Ngũ hành có quy luật biến hóa nên có nhiều quan điểm, nhưng để dễ nhớ quy luật của Ngũ hành, ta có thể hiểu về Ngũ Hành như sau:

Quy luật tương sinh:

– Kim sinh Thủy, vì kim loại nóng chảy tạo ra chất lỏng.

– Thủy sinh Mộc, vì nước nuôi dưỡng cây cối.

– Mộc sinh Hỏa, vì đốt củi thành lửa.

– Hỏa sinh Thổ, vì lửa cháy xong thành tro tàn, thấm vào đất.

– Thổ sinh Kim, vì trong lòng đất có kim loại.

Quy luật tương khắc:

– Kim khắc Mộc, vì dao, rìu có thể chặt được cây.

– Mộc khắc Thổ, vì cây hút chất dinh dưỡng của đất.

– Thổ khắc Thủy, vì đất ngăn đê chắn nước.

– Thủy khắc Hỏa, vì nước dập tắt lửa.

– Hỏa khắc Kim, vì lửa nung cháy được kim loại.

Phần lớn chúng ta chỉ biết Ngũ hành ở mức độ “tương sinh, tương khắc”.

VD: Hỏa Thổ tương sinh nhau là tốt, nhưng ta chưa biết rõ hơn là: Hỏa sinh Thổ, thì Hỏa tốt hay Thổ tốt, hay cả 2 cùng tốt. Để biết được điều này, ta luôn phải xác định đối tượng ta cần xét là ai, thuộc ngũ hành nào. Có 5 mối quan hệ cơ bản về ngũ hành như sau:

1. Sinh nhập, là cái sinh ra ta, ta có lợi. VD: Ta là Hỏa, Mộc sinh Hỏa, gỗ càng nhiều cháy càng lớn, Hỏa có lợi.

2. Sinh xuất, là ta sinh ra cái khác, ta bất lợi, chịu hi sinh, mất mát. VD: Ta là Thủy, Thủy sinh Mộc, tức nước tưới tiêu cây càng nhiều thì nước cạn, Thủy bị hao hụt.

3. Khắc nhập, là cái khắc ta, ta bị đè nén, kiểm soát. VD: Ta là Thủy, Thổ khắc Thủy, đê ngăn dòng nước, Thủy bị khống chế.

4. Khắc xuất, là cái ta khắc, ta bị tổn thất. VD: Ta là Kim, Kim khắc Mộc, dao chặt cây nhiều cũng có ngày sứt mẻ, Kim bị thiệt hại.

5. Tỷ hòa (bản mệnh), là chính ta, tốt xấu tùy lúc. VD: Ta là Thủy, là ly nước sạch, nếu đổ thêm nước sạch vào thì ổn, còn đổ ly nước bẩn vào, thì đều thành nước bẩn.

Trong 5 mối quan hệ trên, thông thường ta chỉ nên dùng các ngũ hành sinh nhập hoặc tỷ hòa với ta. Hạn chế dùng các ngũ hành khiến ta sinh xuất hoặc khắc xuất, đặc biệt không dùng ngũ hành khắc nhập ta.

Tuy nhiên, cũng tùy từng trường hợp, từng giai đoạn, ta sẽ phải linh hoạt dùng các ngũ hành khác, vì ngũ hành có nhiều mối quan hệ biến hóa hơn 5 mối quan hệ cơ bản kể trên như:

– Ngũ hành tương tranh: Ngũ hành gặp chính bản chất của nó gây bất lợi. VD: Lưỡng Kim Kim Khuyết, tức hai kim khí chạm nhau dễ gây sức mẻ.

– Ngũ hành chế hóa xung khắc: Ngũ hành khắc ta nhưng không phải lúc nào cũng xấu. VD: Vẫn có khi ngũ hành Mộc nhờ Kim khắc mà tốt lên, như gỗ cần đục đẽo mà trở thành đồ nội thất đẹp.

– Ngũ hành tương thừa: Là quan hệ tương khắc ở mức độ áp đảo, mạnh quá khắc yếu.

– Ngũ hành phản khắc (tương vũ, phản vũ). Không phải lúc nào quy luật tương khắc cũng đúng, vẫn có những lúc ngũ hành yếu thế hơn phản lại. VD: Tuy Thổ khắc Thủy nhưng lúc Thủy thịnh Thổ suy, Thủy có thể khắc ngược lại Thổ, như nước lũ mạnh quá sẽ làm vỡ đê.

– Ngũ hành phản sinh. Không phải cứ tương sinh là tốt, khi sinh quá nhiều, sẽ gây mất cân bằng. VD: Thủy sinh Mộc, nhưng nước nhiều quá thì cây dễ bị úng hoặc cuốn trôi.

Ứng dụng của Ngũ hành

Ngũ hành có ứng dụng hầu hết các bộ môn về phong thủy lẫn mệnh lí. Trong phong thủy nhà ở, có thể ứng dụng nhanh ngũ hành để chọn cách trang trí về: màu sắc, vật liệu, hình tượng, hình khối. Tùy vào từng trường hợp, từng vị trí mà có cách chọn ngũ hành và trang trí phù hợp:

Ngũ Hành Màu sắc Vật liệu Hình tượng Hình khối
Kim Xám, bạc, trắng Sắt, thép, nhôm, inox Hình tượng kim loại Hình tròn
Thủy Xanh da trời, đen Nước, kính, gương Nước, ao hồ, sông, biển Lượn sóng, cong
Mộc Xanh lá cây Cây xanh, gỗ Cây cối, rừng, đồng cỏ Hình chữ nhật, dài
Hỏa Đỏ, hồng, cam, tím Lửa, thiết bị điện Mặt trời, lửa, ánh sáng Hình xéo, nhọn
Thổ Vàng, nâu Đá, gốm, sứ Sa mạc, đất, đá, đồi núi Hình vuông

Xem thêm: 

Trên cơ sở Ngũ hành, phong thủy không chỉ đơn thuần là một nghệ thuật bài trí mà còn là một triết lý sống. Hiểu về nguyên tắc này giúp chúng ta tìm kiếm sự cân bằng và hài hòa trong không gian sống của mình. Sự kết hợp giữa phương hướng, màu sắc, vật liệu và hình khối của Ngũ hành mang lại sự tương hỗ và tương thích, tạo ra một môi trường tốt cho sức khỏe, tinh thần và thịnh vượng. Hãy đón nhận sự cân bằng và sự hòa quyện của ngũ hành trong cuộc sống để tạo ra một không gian sống thịnh vượng và an lành.